Bình giảng bài thơ Lai Tân

Đề bài: Bình giảng bài thơ Lai Tân.

Bài làm

Nhật kí trong tù (1942 – 1943) là tập thơ xuất sắc, giàu tính chiến đấu, chất trí tuệ và đậm chất trữ tình của nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.Tập thơ có hình thức nhật kí, đa dạng về bút pháp, giọng điệu. Trong đó, nổi bật nhất là bút pháp tự sự trào phúng. Các tác phẩm sử dụng bút pháp tự sự trào phúng chủ yếu để chế giễu, châm biếm, lên án nhà tù và chế độ xã hội Trung Hoa dân quốc. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là bài thơ “Lai Tân”.

Lai Tân là bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian bốn tháng đầu Hồ Chí Minh bị giam giữ tại các nhà tù quốc dân Đảng ở Quảng Tây, Trung Quốc. “Lai Tân” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, là bài thơ số 97 trong số 133 bài thơ của “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Bài thơ mang nội dung phê phán chế độ nhà tù và xã hội Trung Quốc với nghệ thuật châm biếm sắc sảo.

Lai Tân là một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bối cảnh đầu bài thơ là một nhà tù ở Lai Tân, với kết cấu tự sự trào phúng, ba câu thơ đầu khắc họa hình ảnh và việc làm của 3 nhân vật có quyền hành lớn:

“Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ

Cảnh trưởng thư, thôn giải phạm tiền

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự”…

Câu thơ thứ nhất Hồ Chí Minh dành để nói về tên Ban trưởng – một tên cai ngục. Xuất hiện trong thơ của Hồ Chí Minh, tên cai ngục này không hung dữ, tàn bạo, hách dịch như những tên chúa ngục cửa quyền, tàn ác thường thấy, mà ngược lại, hắn chỉ ngày ngày đánh bạc. Bản dịch viết:

"Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc”

Công việc của cai ngục là quản lý tù nhân, quản lý nhà tù, nhưng với tên cai ngục trong “Lai Tân” thì không!. Dưới bàn tay của hắn, nhà tù đã biến thành một sòng bạc giữa thanh thiên bạch nhật. Nhà tù không là là nơi cải tạo phạm nhân, không phải là nơi để thực thi luật pháp và công lý nữa, mà nó biến thành một song bạc- theo đúng nghĩa đen. Ở sòng bạc ấy, Ban trưởng và tù nhân đều có vị thế như nhau. Bởi vì tất cả đều là con bạc, đều cùng hội đỏ đen, đang sát phạt lẫn nhau, cùng máu mê như nhau.

Nghĩa gốc của câu thơ chữ Hán chỉ là “Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc” được dịch thành “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc" chính là một điểm nhấn hay. Qua cách dịch mỉa mai này, tiếng cười bật ra ở cái nghịch lí của sự vật, của con người, của hiện tượng mà nhà thơ nói đến. Chúng ta như thấy được cái nhà thơ nhìn thấy, lại cũng bật cười theo tiếng cười khẽ, thâm trầm, sâu sắc giàu trí tuệ của chính nhà thơ.

>> Xem thêm:  Soạn bài cách làm bài nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống

Câu thơ thứ hai, bối cảnh chuyển biến từ nhà lao ra bên ngoài. Cách tự sự của Hồ Chí Minh khiến độc giả như hòa mình vào bối cảnh, thấy được ánh mắt của nhà thơ, cảm giác như đang tận mắt thấy hình ảnh vị Cảnh sát trưởng tham ô, nhận tiền từ phạm nhân:

“Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền".

Nghĩa là “Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải” được Nam Trân dịch thơ thành “Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh". Cách dịch thơ này không những sát nội dung câu thơ Hán mà còn tiến thêm một bước trong việc thể hiện sự mỉa mia, khinh bỉ hành động xấu xa, nhơ nhớp của tên cảnh sát trưởng chốn Lai Tân. Về kết cấu, câu một đối xứng với câu hai, mỗi bức chân dung biếm họa có một nét riêng, nhưng lại rất “ăn nhập”, rất hài hòa. Ban trưởng thì lo ăn chơi cờ bạc, Cảnh trưởng thì trắng trợn “móc túi" ăn tiền phạm nhân. Qua cách sử dụng từ “chuyên đánh bạc” và “kiếm ăn quanh” càng làm nổi bật ý thơ rằng chuyện bọn cai ngục, cảnh sát trưởng ăn tiền phạm nhân đã thành “lệ”. Thậm chí, đó giống như việc hiển nhiên, như chân lý rằng đó mới chính là công việc hằng ngày thực sự của bọn chúng vậy!

Bức tranh biếm họa ngày càng được phác họa rõ nét và đầy đủ qua câu thơ thứ ba:

“Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự".

Dịch thơ:

“ Chong đèn, huvện trưởng bàn công việc”

Câu thơ mở ra một ý mới, nói tới một nhân vật có quyền cao hơn ở ngoài phạm vi nhà giam, là người đứng đầu của huyện Lai Tân. “Thiêu đăng" ở đây là chong đèn, “biện công sự" nghĩa là làm việc công. Câu thơ dịch đã đảo việc công thành công việc. Câu thơ không khỏi làm người đọc băn khoăn! Phải chăng đây là một vị quan tốt, một vị quan mẫu cán biết lo cho nước cho dân? Không mắc phải những tật xấu, không dính đến những tội lỗi như bản trưởng, cảnh trưởng? Nhưng nếu đặt câu thơ trong mạch thơ xuyên suốt toàn bài, ta phát hiện ý châm biếm mỉa mai hết sức sâu cay. Nếu đây là một vị quan tốt, biết lo cho nước cho dân, làm việc không quản ngày đêm thì tại sao dưới quyền ông lại có những thuộc hạ mắc nhiều nhược điểm xấu xa?! Vậy ông chồng đèn làm công việc gì?

>> Xem thêm:  Giới thiệu về Thừa Thiên – Huế

Vào những năm 1960, nhiều bài viết đều cho rằng tên Huyện trưởng này chong đèn đêm đêm hút thuốc phiện, từ đó nhấn mạnh giá trị tố cáo hiện thực xấu xa, thôi nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Nhưng sự thật không phải như thế, chính Hồ Chủ tịch đã lấy mực đỏ gạch bỏ ba chữ “hút thuốc phiện" trong bức thư của nhóm dịch giả gửi hỏi ý kiến Người.

Trong xã hội cũ, quan lại tự cho mình là “phụ mẫu” của dân, là “đèn trời soi xét”. Thơ chữ Hán có một chữ “đăng” rất đặc biệt. Nhưng “đăng” ở đây không phải là ngọn đèn công lí tỏa sáng vầng trán Huyện trưởng, một vị quan to mặt lớn, anh minh, đường đường chính chính. Thoạt tiên, câu thơ miêu tả ông ta có vẻ “mẫn cán" lắm, lo công việc quan suốt ngày chưa đủ, đêm đêm còn chong đèn làm việc công, nhưng đâu phải thế, ông huyện trưởng Lai Tân là một kẻ rất quan liêu! Nếu không, chuyện đánh bạc của Ban trưởng, chuyện ăn tiền phạm nhân bị giải của cảnh trưởng sờ sờ ra đó, sao ông ta không hay, sao ông ta không biết? Hay ông Huyện trưởng Lai Tân này là “cái ô” để bao che bọn thuộc hạ làm bậy “kiếm ăn quanh".

Qua ba câu thơ đầu, từ ba bức chân dung biếm họa song hành, cùng nối tiếp xuất hiện tạo nên một bức biếm họa lớn, hoàn chỉnh; mang một ý nghĩa thẩm mỹ đặc sắc, nó cho thấy một hệ thống quan lại Lai Tân nói riêng và bộ máy quan liêu của chính quyền Quảng Tây thời bấy giờ vô cùng mục ruỗng, thối nát, xấu xa đến tệ hại. Nhưng trước cái hiện thực tệ hại ấy, Hồ Chí Minh lại viết:

“Lai Tân y cựu thái bình thiên"

Được Nam Trân dịch thơ rằng:

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình".

Nhịp thơ và giọng theo đột ngột thay đổi. Theo logic, người đọc chờ đợi ở câu kết một lời mỉa mai châm biếm, tố cáo mạnh mẽ mẽ, lên án quyết liệt tình trạng thối nát của bọn quan lại ở Lai Tân, nhưng Hồ Chí Minh lại hạ một câu thơ có vẻ hờ hững, dửng dưng vô cảm.Tuy nhiên, thực chất câu kết là đòn đánh rất hiểm mà trong văn chương xưa gọi là “tiền văn không đoán được hậu văn”. Câu thơ tuy nhẹ nhàng nhưng sức đã kích thật quyết liệt, nó cho thấy tình trạng thối nát của bọn quan lại ở Lai Tân diễn ra hết sức bình thường, không có gì là đặc biệt, là bất ngờ, không phải là chuyện của thời loạn. Tình hình của bọn quan lại ở Lai Tân xưa nay vẫn thế, cái guồng máy chính vẫn cứ thế mà vận hành. Ban trưởng cứ ngày ngày đánh bạc, cảnh trưởng cứ ăn tiền của dân lúc dẫn giải, huyện trưởng cứ đêm đêm chong đèn mà chẳng làm việc công. Hiện thực thối nát ấy rất đáng phê phán, đáng lên án quyết liệt, thế nhưng nó lại cứ vẫn diễn ra suốt bao năm như vậy, như thể tiền lệ, khiến người ta nhìn nhiều hóa quen, không còn thấy lạ lùng, cũng không cần căm phẫn nữa!

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ số 28 của Tago

Về cách dùng từ ở câu thơ cuối,chữ “thái bình” chính là nhãn tự, là thi nhân. Hai từ “thái bình” hạ xuống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng có sức mạnh đã kích lớn, nó cho thấy sự thái bình giả dối ở Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Thực chất là đại loạn từ bên trong, đây chỉ có thể là thái bình đối với bọn quan lại, chứ không thể thái bình với người dân. Nếu gắn vào hiện thực, bài thơ được sáng tác năm 1942 – lúc phát xít Nhật đang xâm lược TQ, đặt bài thơ trong hoàn cảnh ấy ta lại càng thấy rõ hơn thái độ vô tâm vô trách nhiệm của bọn quan lại ở Lai Tân. Đất nước bị chiếm đóng, đồng bào bị giết hại vậy mà trời đất Lai Tân “vẫn thái bình”. Đúng là một sự thái bình khiến ta cười ra nước mắt!

Chỉ vỏn vẹn qua bốn câu thơ, không cần nhiều lời cay nghiệt, không miêu tả cụ thể từng chi tiết mà toàn bộ bộ mặt xấu xa, thối nát xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch đã hiện lên một cách cụ thể sinh động. Đó chính là cái tài trong cách dụng thơ, cách dùng từ và cách vận dụng nghệ thuật tự sự trào phúng bậc thầy của Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng “Lai Tân” là một tiếng cười đả kích xuất sắc của thơ Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù”: không đao to búa lớn, chỉ nhẹ nhàng mà thâm trầm sâu cay, có sức mạnh đã kích mãnh liệt nhắm thẳng vào đối tượng, mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.